Mạng xã hội TikTok là cái tên quen thuộc trong khoảng thời gian gần đây, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Mạng xã hội này đã vượt qua mốc 2 tỷ lượt tải về trên toàn cầu.
Khi việc lướt điện thoại xem video trên TikTok trở thành thói quen mới của nhiều người, một hình thức kêu gọi đầu tư để “làm nhiệm vụ” like dạo trên TikTok xuất hiện, với lời quảng cáo kiếm lợi đến hơn 1.700%/năm.
"Vỡ mộng"
Sau những video quảng cáo trông vui nhộn về ứng dụng “like dạo” để kiếm tiền trên TikTok là nước mắt của những người đã trót tham gia.
Cuối tháng 10 vừa qua, chị Tú được một doanh nhân “dạy” kiếm tiền trực tuyến, giới thiệu đầu tư vào dự án “tương tác dạo” cho các tài khoản trên TikTok. Bị thuyết phục rằng đây là cơ hội làm giàu, chị đã bỏ ra hơn 130 triệu đồng để mua 4 gói nhiệm vụ.
“Nếu như vào gói lớn nhất là 33 triệu, mỗi ngày bọn em sẽ xem 150 clip trên TikTok thông qua app này. Bấm like hoặc follow hoặc comment, sau khi hết clip sẽ quay lại app và bấm hoàn thành. 1 clip sẽ nhận được 12.000 đồng, xem hết 150 clip sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/ngày. Học ngày 27/10 xong thì đến ngày 28 – 29, hầu hết mọi người đều “vào”, đến ngày 3/11 là nó sập, gần như là mất trắng”, người tham gia “dự án kiếm tiền trên TikTok” Aizan cho biết.
Các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok đều vẽ ra một kịch bản rằng hiện nay trên thị trường có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn nổi tiếng sẵn sàng chi tiền cho TikTok để mua lượng người tương tác. TikTok sẽ dùng nguồn tiền này để thuê người tham gia xem video, thả tim trên nền tảng.
Cái bẫy nằm ở chỗ người muốn tham gia trước hết phải nạp tiền theo từng gói hạn mức để có được số nhiệm vụ mỗi ngày tương ứng. Các gói được vẽ ra là hoàn vốn trong chưa đầy 20 ngày. Lợi nhuận mang về sau đó có thể lên đến hơn 1.700% một năm.
“Những bạn vào trước bảo là nếu không nạp tiền vào thì cứ ai rảnh là làm thì đâu có được. Họ đưa ra các gói như vậy giống như để mình có trách nhiệm với việc mình làm”, người tham gia “dự án kiếm tiền trên TikTok” iClick cho hay.
“Làm nhiệm vụ em phải ấn tay, mất thời gian… Em nghĩ bỏ công sức ra như vậy thì một ngày được 400.000 chắc cũng đúng. Lúc đầu em cũng không nghĩ là lừa đảo, vì mỗi đêm em cũng thức 4 – 5 tiếng để làm”, người tham gia “dự án kiếm tiền trên TikTok” Golden Hand chia sẻ.
Tiền lời một năm chưa thấy đâu, chỉ sau vài tháng, các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok như Aizan, iClick, Golden Hand… lần lượt bị sập. Hàng nghìn người tham gia đang tập hợp và làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Ước tính số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trả lời phóng viên VTV, phát ngôn viên của TikTok tại Việt Nam đã chính thức khẳng định không cho phép hành vi thao túng các cơ chế của nền tảng nhằm tăng chỉ số tương tác, cũng như không có bất kỳ hình thức liên kết nào với tổ chức, cá nhân bên ngoài để làm việc này.
Cũng sau phản ánh của VTV, ngày 1/12 vừa qua, TikTok cũng đã phát đi cảnh báo lừa đảo trực tiếp đến người dùng tại Việt Nam.
Có thể thấy, các đối tượng đã lợi dụng sự tăng trưởng của một mạng xã hội có thật, thị trường mua “like”, mua tương tác cũng đang có thật tại Việt Nam. Đáng chú ý, các dự án này đã sử dụng mạng lưới những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, những người tự xưng là thầy dạy kinh doanh, làm giàu để quảng cáo, mời mọc…, củng cố niềm tin của người tham gia.
Tâm lý hám lợi
Ông Nguyễn Thái Duy được giới thiệu là doanh nhân hàng chục năm kinh nghiệm, tác giả sách, kiêm sáng lập một công ty đào tạo về kinh doanh. Một ví dụ điển hình cho những cá nhân có sức ảnh hưởng, lượt người theo dõi nhiều trên mạng xã hội đã quảng cáo, kêu gọi người dân đầu tư kiếm tiền trên TikTok.
Trong buổi học, ông dành nhiều thời gian để nhấn mạnh về các chính sách về hoa hồng khi giới thiệu người mới tham gia để thuyết phục học viên bỏ tiền vào dự án này và trở thành “đại lý” cấp 1 của chính ông.
Thế nhưng món ngon này không dễ xơi như lời quảng cáo, khi các dự án này có nhiều thứ quy định có dấu hiệu của đa cấp biến tướng, để buộc người giới thiệu người khác tham gia không chỉ tốn công, mà còn phải tốn tiền.
Đến khi các dự án kiếm tiền TikTok sập nguồn, những người tham gia mới biết món “ngon ăn” chỉ là chiếc bánh vẽ. Lúc này, hơn 60 học viên đã đầu tư sau khi tham gia lớp của ông Nguyễn Thái Duy, đã biết về khoản “dạy làm giàu”, thầy – trò cũng như nhau.
“Hiện tại những app kiếm tiền cũng khá nhiều. Mình cũng được một người bạn inbox cho mình và giới thiệu có dự án này hay. Mô hình này toàn là giới thiệu cho nhau. Chỉ có ông chủ app này là ông nào thì cho tới giờ không ai biết. Mình cũng là một người tìm kiếm thông tin trên mạng giống như tất cả mọi người”, ông Nguyễn Thái Duy, sáng lập Công ty CP Be Training, cho hay.
Các nền tảng số vẫn đang ngày càng phát triển, sau Facebook, YouTube, TikTok… sẽ có nhiều mạng xã hội khác ra đời. Còn sau khi các dự án kiếm tiền trên TikTok bị sập, chúng cũng có dấu hiệu quay trở lại với cái tên khác, hoạt động kiểu “bình cũ rượu mới”, “ve sầu thoát xác”, tiếp tục đi kêu gọi huy động vốn từ người dân. Theo giới chuyên gia, thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng chủ động và quyết liệt hơn.
“Bánh vẽ” kiếm tiền trên TikTok một lần nữa cho thấy các đối tượng lừa đảo luôn khai thác triệt để lỗ hổng kiến thức về kinh doanh qua nền tảng công nghệ của người dân, để tung ra chiêu trò đánh vào tâm lý hám lợi. Do đó, lời khuyên không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ đối với tất cả người dân là chỉ nên bỏ tiền đầu tư khi đã thực sự tìm hiểu. Những chiếc “bánh vẽ” thường được quảng cáo là rất ngon và tiền không bao giờ có thể kiếm vài chục, vài trăm phần trăm một cách dễ dàng.
Theo Vietnamnet