Từ đồng tiền bị coi là “trò lừa đảo”, Bitcoin đã đi qua một chặng đường dài. Nhưng với nhiều mối lo ngại hiện tại, tương lai của các loại tiền thuật toán vẫn là một dấu hỏi.
Năm 2017, anh Didi Taihuttu, vợ anh và ba người con đặt cược toàn bộ tài sản vào Bitcoin.
Gia đình người Hà Lan bán từ một doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, một ngôi nhà rộng 230 m2 cho đến đôi giày để dồn tiền vào Bitcoin. “Chúng tôi đầu tư vào Bitcoin vì muốn thay đổi cuộc sống”, người đàn ông 42 tuổi, bố của ba đứa trẻ, nói với CNBC.
Khi giá Bitcoin sụp đổ hồi năm 2018, anh Taihuttu thậm chí còn đổ thêm tiền. “Tôi tin chắc rằng tiền thuật toán đã sẵn sàng cho một đợt phục hồi lớn”, anh khẳng định. Hai năm sau, giá Bitcoin tăng phi mã lên sát ngưỡng 20.000 USD/đồng, chính thức vượt mức kỷ lục được thiết lập hồi năm 2017.
Bitcoin từng bị CEO Jamie Dimon của JPMorgan gọi là “trò bịp” vào ba năm trước. Ông thậm chí dọa sẽ sa thải bất cứ nhân viên nào mua bán Bitcoin “bởi tội ngu ngốc”. Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, ông thừa nhận “hối hận vì đưa ra những bình luận như vậy”.
Dĩ nhiên, có nhiều lý do khiến tiền thuật toán đến nay vẫn gây tranh cãi. Giá trị của Bitcoin phụ thuộc vào niềm tin của người nắm giữ (thay vì được hỗ trợ bởi bất cứ tài sản nào), dẫn đến giá trồi sụt thất thường hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, động lực đứng sau đà tăng năm 2020 cho thấy Bitcoin nói riêng, hay tiền thuật toán nói chung, đã đi một chặng đường dài so với bong bóng hồi năm 2017.
“Thời của Bitcoin đã đến. Các nhà đầu tư tiền số giờ có thể tự tin giễu cợt lại những kẻ hoài nghi, cho rằng đà tăng của giá Bitcoin chỉ là một bong bóng chẳng khác gì bong bóng hoa Tulip Hà Lan”, ông Edward Moya, chuyên gia tài chính cao cấp tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ), nói với Zing.
“Tiền thuật toán đã đi một chặng đường dài”, ông cảm thán.
Bitcoin – đồng tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới – được tạo ra vào năm 2009. Trong quá trình đó, Satoshi Nakamoto – nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin – đặt giới hạn khoảng 21 triệu đơn vị. Giới hạn này giúp giá trị của mỗi Bitcoin tăng lên khi đồng tiền trở nên phổ biến. Cùng với đó, Bitcoin cũng miễn nhiễm với lạm phát và được coi là một dạng vàng kỹ thuật số.
Thêm vào đó, Bitcoin là một mạng lưới phi tập trung, tức không bị bất cứ ngân hàng trung ương hay tổ chức tài chính trung gian nào quản lý hay kiểm soát. Hệ thống hoạt động dựa trên giao thức mạng ngang hàng (peer-to-peer). Điều này có nghĩa là người nắm giữ Bitcoin sẽ không cần mất phí giao dịch hay phải cung cấp danh tính.
Sổ cái (blockchain) ghi lại tất cả giao dịch mua bán Bitcoin. Dữ liệu trong sổ cái được mạng lưới máy tính ngang hàng trên khắp thế giới cập nhật và bảo trì. Chẳng hạn, khi A chuyển x Bitcoin cho B, tất cả máy tính trong mạng sẽ xác minh và ghi lại vào sổ cái rồi cấp phát dữ liệu tới các máy tính khác.
Đến nay, Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác vẫn là những tài sản tai tiếng. Hồi năm 2017, sự điên cuồng của nhà đầu tư cá nhân đã kéo giá Bitcoin tăng 20 lần. Nhà đầu tư mạo hiểm Tim Draper thậm chí dự báo giá trị đồng tiền sẽ vượt ngưỡng 20.000 USD vào năm 2018. Tuy nhiên, ngay sau khi giá đạt đỉnh, bong bóng Bitcoin vỡ vụn và giá lao dốc không phanh, xuống mức thấp nhất 3.122 USD trong năm 2018.
Năm nay, đà tăng giá phi mã của Bitcoin lại làm dấy lên lo ngại về một bong bóng khác. “Một lần nữa, ‘chứng cuồng’ tiền thuật toán trở thành trợ lực chính khiến Bitcoin tăng giá. Một số nhà đầu tư không thèm quan tâm đến các nguyên tắc cơ bản”, ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích cao cấp có trụ sở tại London (Anh), bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Zing.
Quỹ đầu tư trị giá 5,3 tỷ USD của hãng Guggenheim Partners không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ đợt bùng nổ giá Bitcoin. Tuy nhiên, trừ khoản đầu tư vào Grayscale Bitcoin Trust, quỹ không đầu tư trực tiếp hay gián tiếp vào tiền thuật toán. Công ty nhận xét Bitcoin “vẫn là một tài sản rủi ro”.
Các rủi ro được hãng liệt kê bao gồm biến động giá mạnh, những thay đổi về quy định, khủng hoảng niềm tin vào mạng lưới Bitcoin, sự thay đổi trong sở thích của nhà đầu tư, các sàn giao dịch phần lớn không được kiểm soát, rủi ro gian lận và tỷ lệ thất bại cao.
“Hãy nhìn vào biến động giá Bitcoin trong năm nay. Giá tiền mã hóa này đang tăng nhanh nhưng cũng có thể ‘sập’ nhanh hơn nhiều”, chuyên gia tài chính Erlam nói với Zing. “Có một câu nói cũ: ‘Thị trường chứng khoán đi lên bằng thang bộ và xuống bằng thang máy’. Nhưng riêng với tiền thuật toán, giá nhảy khỏi cửa sổ và rơi tự do”, ông so sánh.
Mới đây, ông Gary Cohn, cựu Giám đốc kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng cảnh báo giới đầu tư đừng đặt hy vọng vào sự bùng nổ giá của Bitcoin. Theo ông, thị trường Bitcoin thiếu sự toàn vẹn cơ bản của một thị trường thực.
“Một phần của sự toàn vẹn hệ thống là biết rõ ai sở hữu và lý do đồng tiền được trao đổi. Hệ thống Bitcoin hiện tại không có tính minh bạch. Vì thế, rất nhiều người đặt câu hỏi rằng: ‘Vì sao bạn lại cần đến một hệ thống không được kiểm soát?’”, ông Cohn nhấn mạnh.
Anh Taihuttu, người đàn ông dồn hết tiền để đầu tư vào Bitcoin, không nản lòng ngay cả khi giá tiền thuật toán chạm đáy. “Khi Bitcoin giảm giá, chúng tôi mua vào nhiều hơn”, anh tiết lộ. “Ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn không thấy nhu cầu sụt giảm. Tôi cho rằng chúng ta đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nguồn cung”, anh Taihuttu nói thêm, đề cập đến tính khan hiếm có tác dụng nâng giá trị cho tiền điện tử.
Thực chất, sự khan hiếm hoặc giới hạn nguồn cung không có tác dụng kỳ diệu trong việc nâng giá trị tài sản. Nhưng niềm tin rằng sẽ có ít cơ hội kiếm được Bitcoin hơn khiến nhà đầu tư đổ xô mua vào.
“Trên thực tế, các loại tiền thuật toán như Bitcoin không được hỗ trợ bởi bất cứ tài sản hay gắn với ngân hàng trung ương nào. Chúng có giá trị bởi người nắm giữ tin rằng chúng giá trị”, nhà báo MacKenzie Sigalos của CNBC bình luận. Vì vậy, sự chấp nhận của những nhà đầu tư tên tuổi cực kỳ quan trọng đối với tiền mã hóa. Đó cũng là động lực chính cho đà tăng của Bitcoin và các loại tiền số khác trong năm nay.
|
“Đà tăng năm nay khác với bong bóng Bitcoin hồi năm 2017. Nguyên nhân là tính hợp pháp của đồng tiền kỹ thuật số ngày càng tăng và thị trường có thêm sự xuất hiện của các tổ chức lớn. Sự biến động vẫn tăng lên. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta sẽ không chứng kiến vụ sụp đổ năm 2017 lặp lại”, ông Moya tại Oanda lập luận.
Hai gã khổng lồ thanh toán là Square và PayPal đều đã cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác như Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin trên nền tảng của mình. Quyết định được xem là sự công nhận về tính hợp pháp của những đồng tiền này.
Công ty quản lý tài sản hàng đầu Phố Wall Fidelity cũng mở một quỹ Bitcoin hướng đến những khách hàng giàu có. Các nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin. Hôm 3/12, S&P Dow Jones Indices – đơn vị thuộc nhà cung cấp dữ liệu tài chính S&P Global – tiết lộ sẽ tung chỉ số tiền thuật toán vào năm 2021.
“Các tài sản kỹ thuật số như tiền mã hóa đang nổi lên nhanh chóng. Đã đến lúc thích hợp để tạo ra một thước đo độc lập, đáng tin cậy và thân thiện với người dùng", ông Peter Roffman, Trưởng bộ phận Đổi mới và Chiến lược Toàn cầu tại S&P Dow Jones Indices, khẳng định.
“Bitcoin hưởng lợi khi các tổ chức lớn đặt cược vào đồng tiền thuật toán đầu tiên trên thế giới. Họ sẽ tìm cách ngăn chặn những đợt sụt giảm lớn”, ông Moya giải thích. Với sự tham gia của ngày càng nhiều tên tuổi lớn Phố Wall, giới phân tích nhận định tiền này vẫn còn dư địa tăng giá.
“Bitcoin có thể được duy trì đà tăng và dễ dàng cán mốc 22.500 USD/đồng nếu xuyên thủng ngưỡng tâm lý 20.000 USD”, ông Moya đưa ra dự báo với Zing.
Trong khi đó, dựa trên mô hình định giá tiền thuật toán, chiến lược gia David Grider của Fundstrat Global Advisors đã nâng mức giá mục tiêu cho Bitcoin vào cuối năm 2021 từ mức 16.500 USD lên 25.000 USD.
Ông Mike Novogratz, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Galaxy Digital, cho rằng đà tăng lần này mới chỉ bắt đầu. Ông dự báo Bitcoin sẽ chạm mốc 60.000 USD vào năm 2021.
Còn ông Tom Fitzpatrick tại CitiFXTechnicals tiết lộ các biểu đồ chỉ ra giá Bitcoin có thể đạt 318.000 USD vào tháng 12/2021.
Trong bong bóng Bitcoin hồi năm 2017, sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân và yếu tố đầu cơ vượt trội hẳn so với năm nay. Theo dữ liệu của eToro, năm 2017, có 120.000 tweet mỗi ngày liên quan đến Bitcoin. Ba năm sau, con số chỉ khoảng 30.000-60.000 tweet. Lần này, sân chơi thuộc về các tỷ phú và đại gia Phố Wall.
Bitcoin không phải người chiến thắng duy nhất trong cơn sốt giá của tiền thuật toán năm nay. Đồng Ethereum, XRP – tiền thuật toán phổ biến thứ ba thế giới và các loại tiền khác như Litecoin, Polkadot, Cardano và Stellar thậm chí ghi nhận mức lợi nhuận lớn hơn Bitcoin.
“Nhà đầu tư muốn có một danh mục đầu tư dài hạn với Bitcoin và Ethereum, đồng thời sở hữu một nhóm các đồng tiền còn lại để dùng trong giao dịch”, chuyên gia Greg King – Giám đốc điều hành Osprey Funds, một công ty đầu tư tiền tệ kỹ thuật số – giải thích.
Cùng với triển vọng của các đồng tiền số hiện hành là sự xuất hiện của những loại tiền mã hóa khác do các chính phủ và tập đoàn lớn phát hành. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thúc đẩy dự án đồng euro kỹ thuật số.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã dành 6 năm để nghiên cứu dự án đồng NDT điện tử trước khi đưa ra những chương trình thử nghiệm tại Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Tây An trong năm nay. JPMorgan cũng khởi chạy hệ thống thanh toán liên ngân hàng sử dụng các công nghệ dựa trên blockchain để tạo ra tài sản kỹ thuật số JPM coin (đồng JPM).
Trong ngắn hạn, chính những sự kiện này làm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vào tính pháp lý của tiền kỹ thuật số, giúp Bitcoin – tài sản vốn gây nhiều tranh cãi – hưởng lợi. Nhưng về dài hạn, những quy định mới liên quan đến tiền điện tử có thể cản trở đà tăng giá của Bitcoin và các loại tiền khác.
Thêm vào đó, Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác dựa trên một hệ thống blockchain phi tập trung, ngăn chặn bất cứ cá nhân hay tổ chức nào nắm quyền kiểm soát. Người nắm giữ tiền điện tử cũng không cần cung cấp danh tính. Ngoài ra, việc giới hạn nguồn cung còn giúp Bitcoin trở thành hàng rào chống lạm phát.
Như vậy, theo giới quan sát, cách tiếp cận của tiền điện tử do ngân hàng trung ương kiểm soát hoàn toàn đi ngược lại mục đích ban đầu của tiền số.
“Về bản chất, đồng NDT kỹ thuật số có thể giúp tăng cường sự giám sát và kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế và xã hội. Nó tăng cường tập trung quyền lực. Đó có thể là lý do chính khiến Bắc Kinh thúc đẩy phát triển tiền số một cách mạnh mẽ và gấp rút”, giáo sư Frank Xie tại Đại học South Carolina Aiken bình luận.
Giống tiền điện tử, đồng NDT kỹ thuật số kết hợp các yếu tố của công nghệ blockchain. Theo đó, mọi giao dịch đều được ghi lại và theo dõi trong sổ cái kỹ thuật số. Như vậy, đồng NDT điện tử có thể cung cấp cho Bắc Kinh một lượng thông tin khổng lồ về việc người dân tiêu tiền ở đâu, như thế nào.
Đồng NDT của Trung Quốc không phải đồng tiền duy nhất phải đối mặt với vấn đề này. ECB khẳng định cơ sở hạ tầng hỗ trợ đồng euro kỹ thuật số “nên được kiểm soát bởi tổ chức này”. Theo đó, tất cả giao dịch sẽ được ghi lại trong sổ cái của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận bà không muốn châu Âu “quá vội vàng” và nhấn mạnh rằng việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là vấn đề quan trọng.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng trung ương lớn lo ngại về nguy cơ tụt hậu so với những đồng tiền điện tử phổ biến do các tổ chức tư nhân phát hành, chẳng hạn như Bitcoin và tương lai có thể là Libra của Facebook.
“Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang dần chấp nhận tiền tiện tử. Tuy nhiên, những quy định có thể được đưa ra sẽ gây trở ngại cho các đồng tiền số hiện hành”, ông Moya tại Oanda cảnh báo.
Ông Ray Dalio, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư quỹ Bridgewater Associates, tin rằng các đồng tiền quốc gia kỹ thuật số do ngân hàng trung ương kiểm soát sẽ ngày càng nhiều hơn. Nhưng ông không chắc liệu tiền điện tử có trở thành xu hướng chủ đạo hay không. Bởi một trong những trở ngại lớn nhất là nhiều chính phủ có thể áp quy định lên các thị trường tiền điện tử không được kiểm soát.
“Tiền kỹ thuật số còn một chặng đường dài để trở thành những loại tiền thay thế khả thi”, ông Dalio nhận xét.
Trong khi đó, những nhà đầu tư như anh Taihuttu vẫn đặt kỳ vọng vào sự tham gia của các tổ chức lớn. “Khi PayPal bắt đầu bán Bitcoin cho 350 triệu người dùng, họ cũng cần mua Bitcoin ở đâu đó. Sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung bởi nhu cầu gia tăng của các công ty lớn”, anh lập luận.
Đối với anh Taihuttu, khoản đầu tư vào Bitcoin không chỉ đơn thuần là kiếm lợi nhuận. Anh đã dành một nửa số tiền cho các tổ chức từ thiện và cùng gia đình đi khắp thế giới, truyền bá “chân lý” về những đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung.
Theo Zing.