Cô giáo bị lừa chuyển khoản hơn một tỷ đồng. | Kiếm Tiền Online

12.jpg

Phần mềm giả biểu tượng của Bộ Công an, có chứa mã độc, chị Tuyết được hướng dẫn cài trong điện thoại. Ảnh: Công an cung cấp

Làm theo hướng dẫn cài phần mềm của người không quen biết, chị Tuyết, 40 tuổi, bị chiếm đoạt hơn một tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Trình báo Công an Nghệ An hôm 29/11, chị Tuyết, giáo viên THPT ở huyện Diễn Châu, cho biết nhận cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên bưu điện nói có bưu phẩm đã lâu chưa nhận. Chị cần cung cấp số chứng minh nhân dân để tra cứu vướng mắc về pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Khi chị thắc mắc, người này hướng dẫn kết nối với đường dây nóng của Bộ Công an để được giải đáp.

Gọi theo số máy được cung cấp, chị Tuyết gặp người xưng là cán bộ điều tra Bộ Công an. Người này thông báo đơn vị phát hiện có việc dùng chứng minh thư mang tên chị mở tài khoản ngân hàng để dùng vào mục đích phạm tội. Chị Tuyết sẽ bị bắt vì có chứng cứ nhận tiền của tội phạm. “Cán bộ điều tra” hướng dẫn truy cập vào một trang web và khi nhập số chứng minh thư, mã hồ sơ vụ án được cung cấp, chị Tuyết thấy hiện lên lệnh bắt khẩn cấp có đầy đủ thông tin của mình.

Chị được nhắc “phải giữ bí mật, nếu không sẽ bị quy thêm tội làm lộ bí mật nhà nước”. Theo hướng dẫn của người này, chị phải chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản có sử dụng Internet Banking của chị để phục vụ công tác điều tra.

Chị Tuyết tiếp tục được hướng dẫn cài phần mềm bảo vệ tài khoản do Bộ Công an cung cấp. Khi chạy, phần mềm này yêu cầu quyền truy cập vào tin nhắn, danh bạ, thông tin điện thoại, đồng thời yêu cầu nhập thông tin về tài khoản ngân hàng như số tài khoản, tên chủ tài khoản, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập Internet Banking.

Theo cán bộ đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự, đây là trang web giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, còn phần mềm chứa mã độc. Sau khi kiểm soát được toàn bộ tài khoản ngân hàng, tội phạm đã chuyển hơn một tỷ đồng từ tài khoản chị Tuyết sang tài khoản khác bằng cách đăng nhập ứng dụng Internet Banking. Tin nhắn ngân hàng gửi về bị phần mềm chứa mã độc đánh cắp và xóa khỏi máy điện thoại nên nạn nhân không hay biết.

Trước đây, tội phạm yêu cầu nạn nhân rút sổ tiết kiệm, chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt và dễ khiến nghi ngờ. Song thủ đoạn lừa đảo lần này tinh vi hơn khi chúng yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản có sử dụng dịch vụ Internet Banking của chính họ.

Công an Nghệ An khuyến cáo người dân không thực hiện bất kỳ hướng dẫn nào của người lạ qua điện thoại, không tải các phần mềm lạ; khi có nghi ngờ phải liên hệ trực tiếp tới ngân hàng và cơ quan công an nơi gần nhất để được giải đáp.

* Nạn nhân đã được thay đổi

Theo Vnexpress

x

karu

About karu

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :