Chứng khoán sẽ là kênh đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cuối năm 2020, trong năm 2021
Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, vàng tăng phi mã, USD lặng sóng… theo các chuyên gia chứng khoán và bất động sản, đây có thể sẽ là 2 kênh đầu tư mang lại hiệu quả dịp cuối năm và năm 2021, cũng là 2 lĩnh vực hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi trở lại.
Vàng phi mã, USD lặng sóng
2020 là một năm đầy khó khăn với các nhà đầu tư vì đại dịch Covid-19. Việt Nam dù thoát tăng trưởng âm nhưng mức dự báo GDP khoảng hơn 3% là mức tăng thấp nhất trong cả thập kỷ qua. Hệ lụy của nó là hàng vạn doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư.
Đơn cử, giá vàng tăng từ mức khoảng 42 triệu đồng/lượng ngày 1.1.2020 lên tới hơn 55 triệu đồng/lượng vào ngày 6.12 (tỷ suất sinh lời hơn 30%); thậm chí có thời điểm vàng lập đỉnh lịch sử 62,2 triệu đồng/lượng. Nếu chốt đúng đỉnh, người mua vàng đạt mức lợi suất lên tới hơn 47%. Lý do vàng tăng phi mã là dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng như một kênh đầu tư an toàn.
Ngoài ra, kênh đầu tư vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và được dự báo đầy sóng gió như chứng khoán cũng mang lại hiệu quả cao. Mở cửa đầu năm, chỉ số VN-Index giao dịch quanh ngưỡng 970 điểm, sau đó hứng chịu những cú sập liên tiếp bởi dịch Covid-19 và chạm đáy 649 điểm. Nhưng kể từ đó, với khả năng kiểm soát dịch tốt, chứng khoán Việt Nam từ từ đi lên chinh phục tất cả các ngưỡng cản. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đạt 1.021 điểm, mức hồi phục tương ứng hơn 57%. Hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ trong quý 1, tới 2 quý cuối năm đã thăng hoa. Nhiều cổ phiếu hồi phục ấn tượng, thậm chí chinh phục đỉnh cao mới. Tiêu biểu trong đó là cổ phiếu HPG của Tập đoàn thép Hòa Phát, vượt đỉnh 30.000 đồng và hiện đang giao dịch ở mức gần 37.000 đồng/cổ phiếu; VCB của Vietcombank cũng lập đỉnh lịch sử trên 90.000 đồng/cổ phiếu. Các dòng khác như MSN của Masan, MWG của Thế giới di động, FPT của Tập đoàn FPT cũng hồi phục rất mạnh về đỉnh cũ…
Trái ngược với vàng và chứng khoán, bất động sản và USD khá lặng sóng. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11.2020 giảm 0,05% so với tháng trước và chỉ tăng 0,14% so với tháng 12.2019, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong năm 2020 người giữ USD gần như không có lãi.
Đối với thị trường bất động sản, những tháng đầu năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch đã làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường trong 3 năm trước đó. Thị trường sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Giá nhà giảm mạnh trên thị trường thứ cấp, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ.
Bất động sản, chứng khoán sẽ tăng trưởng
Vậy từ nay đến cuối năm và sang năm 2021, kênh đầu tư nào sẽ mang lại hiệu quả? Dữ kiện từ lịch sử cho thấy thời điểm cuối năm nhu cầu vàng sẽ tăng, tuy nhiên do đã tăng quá mạnh từ đầu năm, cùng với việc thế giới đã có vắc xin Covid-19 thì vàng nếu có tăng tiếp cũng sẽ khó đạt mức lợi nhuận lớn. Gửi tiết kiệm thì không có lãi cao khi chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang định hướng kiểm soát lạm phát, duy trì lãi tiền gửi thấp, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế. Đối với USD, nhiều năm nay chính sách chống đô la hóa, siết cho vay mượn ngoại tệ chuyển sang quan hệ mua bán, chống đầu cơ, dẹp chợ đen, rõ ràng sóng USD cũng đã lặng.
Chính vì vậy, 2 kênh đầu tư theo xu hướng hồi phục của nền kinh tế là chứng khoán, bất động sản nhiều khả năng sẽ mang lại lợi nhuận tốt.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán đang tăng quá nóng, dòng tiền rẻ không đi vào sản xuất kinh doanh, không đi vào gửi tiết kiệm và các kênh khác liên tục được bơm vào khiến VN-Index bùng nổ thanh khoản, tạo ra dấu hiệu bong bóng. Tuy nhiên, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty chứng khoán VietinBank, nhận định năm 2021 tình hình vĩ mô sẽ có xu hướng tích cực khi VN sớm khống chế thành công dịch Covid-19; dòng vốn FDI tiếp tục vào mạnh; lãi suất duy trì ở mức thấp; cán cân thương mại thặng dư nhờ hiệp định EVFTA và RCEP; lạm phát và nợ xấu tại các ngân hàng được kiểm soát hiệu quả. Do đó, diễn biến vĩ mô thuận lợi tạo nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong năm 2021.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cũng nhận định đà phục hồi của thị trường chứng khoán gần đây được hỗ trợ bởi sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất. Đây vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong năm 2021 khi mà kinh tế Việt Nam được hầu hết các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như WB, IMF, ADB… dự báo sẽ tăng trưởng cao (phổ biến trong khoảng 6,5 – 7%). Còn Công ty chứng khoán Vndirect đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 7,1% và lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%. Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index năm tới có thể đạt 1.120 – 1.160 điểm.
Đối với kênh bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản trong quý 3 đang dần phục hồi và phát triển. Đặc biệt trong thời gian tới bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường này bởi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao giúp thu hút nguồn vốn ngoại.
Từ nay đến Tết âm lịch Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới. Đồng thời, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Theo ThanhNien