Những kẻ dùng hình ảnh khoe tiền, khoe xe, phông bạt… để kêu gọi bỏ tiền vào rồi hứa hẹn lợi nhuận thì nên tránh xa các bạn nhé.
Liên tục gọi điện, sử dụng mọi công cụ trên mạng xã hội, hình ảnh gợi cảm… là những cách thức được các môi giới Forex dùng để tiếp cận lôi kéo nhà đầu tư.
Sau thời gian trùng xuống do vướng vào nhiều vụ án lừa đảo trong hoạt động đầu tư Forex (Foreign Exchange – ngoại hối) tại thị trường Việt Nam, một năm trở lại đây, các loại hình kêu gọi đầu tư vào thị trường Forex bất ngờ nhộn nhịp trở lại.
Tại Việt Nam, việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thị trường Forex phổ biến nhất là kêu gọi ủy thác đầu tư và trả lãi suất. Các tổ chức môi giới thường xây dựng mô hình kinh doanh kèm theo lời hứa hẹn trả mức lãi suất cao gấp 3-10 lần lãi ngân hàng, thậm chí, một vài trường hợp cam kết lãi suất lên tới vài chục lần.
Cùng với mô hình lôi kéo nhà đầu tư truyền thống kể trên, các môi giới Forex hiện chuyển hướng sang cả hình thức lôi kéo nhà đầu tư tham gia thị trường qua giao dịch tự động, giao dịch bằng robot hoặc nhà đầu tư tự mở tài khoản và giao dịch.
Muôn kiểu lôi kéo khách "chơi" Forex
Khác với việc lôi kéo nhà đầu tư tham gia thị trường Forex dạng đa cấp trước đây, các môi giới Forex hiện nay chủ yếu sử dụng mạng xã hội Facebook, YouTube, Tik Tok… để quảng bá các khoản lợi nhuận từ việc "chơi" Forex của mình. Hàng loạt video, hình ảnh chia sẻ từ các nhà đầu tư “chim mồi”, môi giới phủ sóng mạng xã hội để khoe thành tích từ thị trường ngoại hối.
Các môi giới thường xuyên đăng bài viết khoe số tiền kiếm được, tiền chuyển khoản nhờ vào đầu tư Forex trên mạng xã hội. Đi kèm với đó là các lời mời chào đầu tư siêu lợi nhuận, thu lời cực nhanh, lãi suất tính theo ngày…
Mạng xã hội được tận dụng tối đa để khoe thành tích thắng lớn từ các môi giới Forex. Ảnh chụp màn hình.
Cùng với việc tận dụng "viral" mạng xã hội, các môi giới Forex thường xuyên gọi điện trực tiếp tới khách hàng để mời chào mở tài khoản và đầu tư thử. Nếu khách không có thời gian đầu tư, môi giới sẽ giới thiệu dịch vụ ủy thác đầu tư hộ bằng robot và cam kết trả lãi suất 1%/ngày, 28-32%/tháng kèm cam kết an toàn vốn, ổn định lâu dài.
Hai tháng gần đây, anh Nguyễn Văn An (26 tuổi, Hà Nội) liên tục nhận được các cuộc điện thoại mời chào đầu tư Forex và thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế. Không cam kết lợi nhuận khủng nhưng các môi giới luôn giới thiệu Forex như một thị trường an toàn để đầu tư sinh lời và rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia.
"Có ngày tôi nhận tới 3-4 cuộc điện thoại đều là mời đầu tư Forex. Không rõ là có cùng một hệ thống hay không nhưng đầu dây bên kia đều giới thiệu là đại lý ủy quyền của một công ty nước ngoài tại Việt Nam", anh An cho biết.
Anh An chia sẻ thêm, khi từ chối việc đầu tư vào thị trường này, các môi giới thường xin kết bạn trên mạng xã hội để gửi thông tin tham khảo chứ không yêu cầu đầu tư ngay. Tuy nhiên, những ngày sau đó, anh An liên tục nhận được điện thoại để thúc giục việc đầu tư vào các thương vụ trên thị trường này.
"Nhiệm vụ của em là cung cấp kiến thức về Forex cho các nhà đầu tư như anh, anh có thể chưa đầu tư ngay nhưng cũng cần chuẩn bị kiến thức về thị trường này", theo ghi âm một cuộc trao đổi của anh An với một môi giới Forex.
Lừa khách giao dịch qua tài khoản "cent"
Để tạo thêm lòng tin cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường Forex, nhiều môi giới, nền tảng giao dịch còn cho phép nhà đầu tư mở tài khoản demo (dùng thử). Tiền trong tài khoản này sẽ chỉ dùng để giao dịch thử và không được rút thành tiền thật.
Như khi tham gia nền tảng Nash Việt Nam, hệ thống này cho phép nhà đầu tư mở tài khoản dùng thử với 1.000 USD trong tài khoản. Nhà đầu tư khi tham gia còn được đào tạo trực tuyến bởi những chuyên gia trading do nền tảng này giới thiệu, được thưởng thêm tiền vào tài khoản khi nạp tiền thật để giao dịch và được sử dụng đòn bẩy lên tới 1:500 (nạp 1 đồng chơi 500 đồng).
Mức lợi nhuận nền tảng này cam kết khi "đánh" đúng chiến thuật lên tới 3-5%/ngày.
Với các nền tảng giao dịch Forex khác tại Việt Nam, mức lãi suất cam kết đều dao động 1-5%/ngày, khác biệt chủ yếu nằm ở hệ số đòn bẩy tài chính. Trong đó, mức bổ biến là 1:100 hoặc 1:200, tuy nhiên đi kèm đó là mức nạp tối thiểu (thường là 1.000 USD).
Trường hợp nhà đầu tư tỏ ý quan tâm đến thị trường Forex nhưng chưa muốn đầu tư ngay, môi giới sẽ mời nhà đầu tư tham gia các nhóm kín để theo dõi "đánh" với cam kết chắc thắng.
Ngoài cam kết lợi nhuận, sử dụng mạng xã hội để phủ sóng, nhiều môi giới còn sử dụng các chuyên viên nữ với hình ảnh gợi cảm để lôi kéo nhà đầu tư chú ý. Mục đích cuối cùng vẫn là lôi kéo nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản để giao dịch Forex.
Việc kêu gọi “chơi” Forex tràn lan hiện nay kéo theo nhiều hành vi lừa đảo liên quan thị trường này. Ảnh: Getty.
Thậm chí, một số trường hợp môi giới lợi dụng sự không hiểu biết của nhà đầu tư mới để lừa giao dịch qua các tài khoản cent (xu) với hệ số hiển thị gấp 100 lần tài khoản thông thường nhằm chiếm đoạt tiền ủy thác.
Anh Vũ Hoàng Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, trong giới đầu tư Forex còn xuất hiện loại hình lừa đảo giao dịch qua tài khoản "cent". Theo đó, môi giới sẽ mời nhà đầu tư ủy thác 1.000-5.000 USD kèm cam kết lợi nhuận hấp dẫn, bên môi giới hứa sẽ cung cấp thông tin giao dịch, biến động tài khoản và chi trả lợi nhuận đều đặn hàng tháng.
Tuy nhiên, tài khoản Forex các môi giới này mở cho nhà đầu tư chỉ là tài khoản "cent", loại tài khoản không yêu cầu số tiền nạp tối thiểu.
"Vì là tài khoản cent nên chỉ cần nạp 10-50 USD là con số hiện ra trong tài khoản đã tương đương 1.000-5.000. Các nhà đầu tư không chuyên khi nhìn vào hệ thống sẽ mặc định con số 1.000-5.000 hiển thị tương ứng số tiền 1.000-5.000 USD mình chi ra ban đầu", anh Tuấn nói.
Sau khi nạp 10-50 USD vào tài khoản cent, môi giới sẽ cố tình dùng robot giao dịch thua lỗ để "cháy" tài khoản, qua đó ăn chặn phần tiền còn lại của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đang giao dịch gì trên thị trường Forex?
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, khái niệm ngoại hối theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay khác hoàn toàn so với khái niệm mọi người vẫn thường nghĩ về ngoại hối hay Forex trong giao dịch hiện nay.
Ngoại hối theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là đồng tiền sử dụng trên các lãnh thổ, có quy định về người cư trú, người không cư trú, giao dịch vãng lai và các giao dịch này thuộc diện quản lý của NHNN.
Còn giao dịch ngoại hối hay Forex mọi người đang sử dụng hiện nay bản chất là mua bán các hợp đồng chênh lệch giá (CFP – Contract for diference). Ngoài ra, khái niệm sàn giao dịch Forex hiện nay cũng không chính xác vì đã là sàn thì phải có người bán và người mua, sàn là phương tiện kết nối, nhưng các phần mềm nhà đầu tư đăng nhập và giao dịch Forex (bản chất là CFP) hiện nay chỉ là công cụ kết nối giữa nhà phát hành CFP với người mua (nhà đầu tư).
"Hiện các nền tảng giao dịch Forex tại Việt Nam không phải giao dịch ngoại hối theo pháp lệnh của Nhà nước. Vì vậy, các sản phẩm mọi người gọi là Forex nhưng thực chất là các CFP không thuộc phạm vi điều chỉnh, quản lý của NHNN", ông Tuấn cho biết.
Giao dịch Forex trên thị trường hiện nay (bản chất là giao dịch CFD) không phải giao dịch ngoại hối theo quy định của NHNN. Ảnh: Hoàng Hà.
CEO AFA Capital cho biết hiện nay các nền tảng giao dịch lớn về CFD vẫn giới thiệu là Forex và Stock nhưng đều có ghi chú về bản chất là giao dịch sử dụng đòn bẩy, có rủi ro mất mát và nhà đầu tư không sở hữu tài sản mà chỉ có quyền dự báo giá của tài sản cơ sở.
"Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang kiếm lợi bằng cách giữ các vị trí theo biến động giá, nếu dự báo giá đúng thì thắng, sai thì thua lỗ", ông Tuấn nói.
Do không liên quan đến tài sản cơ sở mà chỉ liên quan tới giá của tài sản cơ sở nên nhà đầu tư có thể chọn bất kỳ sản phẩm tài chính nào để giao dịch CFD từ dầu, vàng, sản phẩm nông nghiệp, USD… Cũng vì biến động giá chỉ vài % nên nhà đầu tư được quyền nhân khối lượng nắm giữ của mình lên, ví dụ 1:100 với biến động giá 1%.
Theo ông Tuấn, vấn đề lớn nhất của giao dịch Forex mà bản chất là CFD tại Việt Nam hiện nay chính là một sản phẩm tài chính cho thị trường chuyên nghiệp lại đang được quảng cáo, giới thiệu cho các nhà đầu tư không chuyên, mới bắt đầu.
“Đây là các hoạt động mang tính đầu cơ rất lớn nên tôi không nguyến nghị nhà đầu tư cá nhân tham gia với các rủi ro lớn. Ngoài ra, việc chơi Forex còn vi phạm quy định của NHNN trong việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài”, vị CEO nhấn mạnh.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, về bản chất nhà đầu tư khi chơi Forex không mua, bán bất kỳ tài sản nào mà chỉ mua, bán quyền dự đoán giá lên hay xuống của giá tài sản cơ sở và nhà đầu tư lời/lỗ ở phần chênh lệch và chênh lệch này chính là chênh lệch hợp đồng giá CFD.
Theo đó, người tạo ra CFD là nhà phát hành và các phần mềm hiện nay chỉ có nhiệm vụ kết nối nhà đầu tư với nhà phát hành CFD chứ không mang tính chất là sàn giao dịch như sàn chứng khoán.
Mức đòn bẩy 1:100, 1:500 mà các nền tảng đưa ra cho nhà đầu tư cũng đồng nghĩa với biến động giá của hợp đồng CFD. Như trường hợp sử dụng đòn bẩy 1:100 (có 1 đồng chơi 100 đồng) nhưng nếu nhà đầu tư dự đoán sai xu hướng giá trong phạm vi 1% sẽ bị “margin call” yêu cầu nạp thêm tiền vào tài khoản nếu không sẽ bị "cháy" tài khoản và mất hết tiền.
"Với các nền tảng cho phép nhà đầu tư giao dịch với hệ số 1:1000, nhà đầu tư có thể cháy tài khoản chỉ sau 2-3 phút giao dịch", ông Long chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng cho biết tại Việt Nam giao dịch Forex hay CFD còn có biến tướng là nhà phát hành, phát hành ra một loại tiền ảo (không phải tiền ảo dùng trong công nghệ blockchain) chỉ ghi nhận trong hệ thống nội bộ nền tảng. Nhà đầu tư nạp tiền thật vào tài khoản giao dịch và nhận lại tiền ảo.
Dòng tiền của nhà đầu tư vào các mô hình này sẽ đi tới tài khoản của nhà môi giới, tới nhà phát hành và nhận lại tiền ảo. Thậm chí, tiền của nhà đầu tư còn phải trả cho các cấp bậc khác nhau trong hệ thống mang tính đa cấp. “Mô hình này mang tính chất siêu rủi ro và đó là lý do NHNN và Bộ Công Thương phải cảnh báo yếu tố lừa đảo đa cấp trong hoạt động đầu tư Forex vừa qua”, ông Long nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Mới